California: Biện pháp ứng phó với làn sóng kỳ thị gốc Á sau đại dịch
Tin Hoa Kỳ

California: Biện pháp ứng phó với làn sóng kỳ thị gốc Á sau đại dịch

(TAP) - Tội ác do thù ghét (Hate Crime) nhắm vào người da màu, Mỹ La tinh, đặc biệt là cộng đồng gốc Á ở California có dấu hiệu gia tăng thời gian qua, đạt đỉnh vào thời điểm diễn ra đại dịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, tiểu bang đang có những chương trình hoặc chính sách nào để bảo vệ người dân cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng?

Viện Chính sách Công California (Public Policy Institute of California, viết tắt: PPIC) đăng tải ngày 28/5 vừa qua (giờ địa phương) cho biết, số liệu về tội phạm thù ghét có liên quan đến chủng tộc được các chuyên gia PPIC thực hiện trong khoảng thời gian từ 2002 - 2022.

Theo báo cáo nghiên cứu, tội phạm hận thù chủng tộc ở California giảm rõ rệt kể từ sau năm 2001, chạm mức thấp nhất vào năm 2014 và gia tăng khá đều đặn cho đến năm 2020. Từ năm 2019 - 2022, những tội ác này đã tăng hơn gấp đôi, đạt từ 1.015 lên đến 2.120 trường hợp.

Tội ác căm thù dẫn đến hành bạo lực tăng thêm 791 vụ, đồng thời là nguyên nhân gây ra phần lớn sự gia tăng gần đây này. Trong khi đó, tội phạm căm thù dẫn đến nguy hại tài sản tăng thêm 314 vụ. Căm thù bạo lực phổ biến nhất vào năm 2022 được thể hiện qua hành vi hành hung (505), hành hung nghiêm trọng (418) và đe dọa (464). Các tội ác căm thù tài sản phổ biến nhất là phá hủy tài sản/phá hoại (605), trộm cắp (16) và đốt phá (12).

Từ năm 2019 - 2022, tội ác căm thù công dân California da màu tăng gần gấp 03 lần từ 243 lên 661 trường hợp. Đối với người Mỹ Latinh gần như tăng gấp đôi (từ 110 lên 210) và tội ác chống lại người châu Á tăng hơn gấp 03 lần (từ 43 lên 143). Đáng chú ý rằng, tội ác căm thù chống lại người châu Á đạt đỉnh điểm là 248 vào năm 2021, thời điểm diễn ra đại dịch toàn cầu.

Khoảng một phần tư (25%) số vụ tội ác căm thù dẫn đến hành bạo lực ghi nhận có dấu hiệu sử dụng cả vũ khí. Trong đó, phổ biến nhất là dao (64), một số vật cùn như dùi cui (57) và thậm chí có cả súng ngắn (34).

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia PPIC, số liệu trên chỉ mang tính chất tham khảo khi thực tế tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Vì một số lý do chủ quan lẫn khách quan, nạn nhân thường không sẵn sàng báo cáo về việc bị tấn công. Mặt khác, việc đánh giá xem động cơ phương hại liệu có xuất phát từ hận thù chủng tộc hay không cũng có sự khác biệt ở một số địa phương, khu vực pháp lý.

Trước tình hình này, trong năm 2023 vừa qua, Thống đốc California Newsom đã phát động chiến dịch giáo dục, nâng cao nhận thức mang tên “CA vs Hate”. Đây là chương trình giúp thiết lập đường dây nóng báo cáo trực tuyến và cung cấp kinh phí cho các tổ chức địa phương để hỗ trợ nạn nhân của tội ác hận thù chủng tộc, thông tin từ trang Governor Gavin Newsom.

California: Biện pháp ứng phó với làn sóng kỳ thị gốc Á sau đại dịch

“CA vs Hate” là chiến dịch được Thống đốc California công bố vào năm ngoái nhằm chống lại tội ác thù ghét và phân biệt đối xử (Nguồn: California Governor)

Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp California cũng đang nỗ lực giải quyết tội phạm thù ghét với hai đạo luật: “AB 485” (thông qua vào năm 2022) và “AB 449” (thông qua vào năm 2023).

Trong đó, AB 485 yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đăng thông tin cập nhật hàng tháng về tội phạm thù hận lên trang web chính thức của họ. Đối với AB 449, luật này yêu cầu tất cả cơ quan thực thi pháp luật áp dụng quy trình báo cáo nghi ngờ về tội phạm thù hận, đồng thời phải báo cáo thông tin cho tổng chưởng lý tiểu bang.

Bên cạnh đó, để nhận biết các loại động cơ phạm thù hận, công chúng có thể tìm kiếm sự trợ giúp, tham vấn từ các nhóm cộng đồng địa phương. Điển hình có thể kể đến “Stop AAPI Hate” - tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vụ việc tự báo cáo về sự căm thù và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á.

Kane

Bình luận