Hoa Kỳ: Vì sao nhóm dân số dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng hơn khi biến đổi khí hậu?
Tin Hoa Kỳ

Hoa Kỳ: Vì sao nhóm dân số dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng hơn khi biến đổi khí hậu?

(TAP) - Dựa vào nghiên cứu “Sự phân bổ không đồng đều về Rủi ro Khí hậu và Chiết khấu” (The Uneven Distribution of Climate Risks and Discounts) công bố gần đây bởi Bộ Tài chính (Department of the Treasury), chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu không đồng đều ảnh hưởng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

CoreLogic - nhà cung cấp dịch vụ thông tin về tài chính, kinh doanh, tài sản và người tiêu dùng có trụ sở tại California đăng tải ngày 8/5 (giờ địa phương) cho biết, căn cứ vào báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, ghi nhận thiên tai do biến đổi khí hậu có sự phân bố không đồng đều giữa các bang.

Ghi nhận những địa phương có rủi ro xảy ra thiên tai cao nhất tập trung ở khu vực Đông Nam. Đặc biệt là nguy cơ về lũ lụt ở các quận ven biển bang Louisiana và Florida. Ngược lại, các quận có rủi ro tổng hợp thấp nhất nằm ở các khu vực nội địa của các bang Núi Tây (Mountain West).

Hoa Kỳ: Vì sao nhóm dân số dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng hơn khi biến đổi khí hậu?

Nhóm dân số dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng hơn khi xảy ra biến đổi khí hậu (Nguồn: NASA Science)

Nghiên cứu từ cơ quan Chính phủ còn phản ánh, thiên tai do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Ở các Quận đang đối mặt với tình trạng nghèo đói, trình độ học vấn thấp, nhân khẩu học ở mức cao (dân số già), môi trường nông thôn và thái độ hoài nghi đối với biến đổi khí hậu,… gặp nhiều khó khăn về vật chất và tài chính hơn. Giải thích nguyên nhân dẫn đến kết quả này, chuyên gia CoreLogic cho rằng có 05 lý do, bao gồm:

(1) Mức độ chú ý đến rủi ro: Các hộ gia đình trình độ thấp không thường xuyên tính toán đến chi phí rủi ro khi đánh giá giá tài sản. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thiếu nhận thức hoặc chủ quan trước vấn đề.

(2) Tiếp cận bảo hiểm công bằng: Đối với những trường hợp có khả năng tiếp cận bảo hiểm tốt hơn, họ có thể được hỗ trợ phần nào chi phí tổn thất tài sản khi thiên tai xảy ra. Ngược lại, chi phí sửa chữa, bảo trì nhà ở, tài sản có thể trở thành gánh nặng với các hộ gia đình nếu họ chủ quan không tiếp cận bảo hiểm hoặc trợ cấp trước đó.

(3) Niềm tin về rủi ro khí hậu: Khi định giá hoặc mua nhà, các nhóm cộng đồng khác nhau có niềm tin riêng biệt về rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu. Nói cách khác, họ không xem đó là yếu tố quyết định đến việc thuê hoặc mua bất động sản, thay vào đó chi phí, phúc lợi, điều kiện sống, hạ tầng giao thông khu vực được chú trọng hơn.

(4) Hạn chế về tín dụng: Các hộ gia đình khó khăn về tài chính có ít khả năng sẵn sàng trả thêm tiền cho những ngôi nhà an toàn hơn. Điều này khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro về tài sản hơn trong suốt quá trình xảy ra thiên tai.

(5) Ít sợ rủi ro hơn: Mặc dù có thể dự đoán các gia đình dễ bị tổn thương có khả năng phục hồi tài chính kém hơn, tương đương việc họ sẽ nghĩ cách tốt nhất để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, báo cáo từ các chuyên gia lại chỉ ra một thực tế rằng, cộng đồng ít chú ý đến vấn đề này.

Chuyên gia nhận định, khi chưa thể dung hòa rủi ro khí hậu với định giá thị trường, đó sẽ là tính hiệu tiêu cực dẫn đến sự bất bình đẳng và làm trầm trọng thêm các bấp cập. Đồng thời, khiến cộng đồng dễ bị tổn thương chịu thiệt thòi, thậm chí là rủi ro lớn về mặt tài chính. Khi một số ngôi nhà không được bảo hiểm đầy đủ ở mức giá hợp lý, giá nhà sẽ trở nên nhạy cảm (cao và biến động).

Dựa vào những luận điểm trên, CoreLogic cho rằng, từ các nhà hoạch định chính sách đến các bên liên quan trong ngành, bất cứ cơ quan nào cũng ít nhiều có trách nhiệm chung đối với vấn đề này. Do đó, cần sớm hành động để đảm bảo các cộng đồng dễ bị tổn thương không bị bỏ lại phía sau. Bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và thực tế, Hoa Kỳ có thể tạo nên một tương lai công bằng và bền vững hơn.

Kane

Bình luận