Sau sự cố để lọt nhà truyền giáo cực đoan, Singapore thắt chặt an ninh biên giới
Tin Quốc Tế

Sau sự cố để lọt nhà truyền giáo cực đoan, Singapore thắt chặt an ninh biên giới

(TAP) - Sau vụ việc để lọt nhà truyền giáo cực đoan Bangladesh hồi tháng 8, Bộ Nội vụ Singapore mới đây đã lên tiếng giải thích. Đồng thời, nói rằng có khoảng 2.500 du khách bị từ chối nhập cảnh tại các trạm kiểm soát ở nước này mỗi tháng.

Thông tin trên được Phòng truyền thông (Media Room) thuộc Bộ Nội vụ (Ministry of Home Affairs) Singapore đăng ngày 9/9 trích dẫn từ phát biểu của người đứng đầu cơ quan - Bộ trưởng Kasiviswanathan Shanmugam SC (K Shanmugam). Trả lời câu hỏi của Quốc hội về biện pháp an ninh biên giới liên quan vụ nhập cảnh trái phép và thuyết giảng ở Tuas (khu dân cư ở Singapore) của nhà truyền giáo Bangladesh Amir Hamza, ông Shanmugam nói rằng, đối tượng này đã sử dụng một hộ chiếu có tên khác.

 


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore K Shanmugam (Nguồn: Facebook “K Shanmugam Sc”)

Theo truyền thông Singapore (tờ Channel NewsAsia), Amir Hamza nhập cảnh ngày 9/8 và thực hiện hành vi truyền đạo bất hợp pháp cho những lao động nhập cư Bangladesh ở ký túc xá Lantana Lodge (Tuas). Người này được cho đã rao giảng những giáo lý cực đoan và phân biệt chủng tộc. Đến ngày 10/8, đối tượng rời Singapore và chính quyền nhận được báo cáo của cảnh sát vào 02 ngày sau đó (12/8). Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết chưa có lệnh bắt giữ nào được thực hiện vì cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Sau vụ để lọt Amir Hamza, chính sách của các Singapore đối việc tăng cường biện pháp an ninh biên giới là vấn đề được dư luận nước này quan tâm. Ông Shanmugam cho biết, Cơ quan Quản lý Nhập cư và Kiểm soát (Immigration and Checkpoints Authority) sẽ áp dụng cách tiếp cận nhiều lớp, dựa trên đánh giá rủi ro trước khi đưa ra quyết định cho phép khách quốc tế nhập cảnh.

Công dân đến từ một số quốc gia nhất định bắt buộc phải nộp đơn xin thị thực nhập cảnh. Trong trường hợp đơn xin của những người nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của Singapore hoặc có vẻ đáng ngờ đều bị từ chối.

Quay lại trường hợp của nhà truyền giáo bất hợp pháp Bangladesh, Bộ Nội vụ Singapore tuyên bố rằng, Amir Hamza có thị thực và được một nhà tài trợ địa phương bảo lãnh. Người bảo lãnh cũng bị cáo buộc có quan hệ với chủ điều hành ký túc xá (nơi đối tượng truyền giáo).

 

Nhà truyền giáo Bangladesh Amir Hamza - người bị Singapore cáo buộc nhập cảnh và truyền bá các nội dung cực đoan và phân biệt chủng tộc (Nguồn: Youtube - Tiktok)

Hiện nay, có khoảng 600.000 du khách đến Singapore mỗi ngày, qua tất cả các trạm kiểm soát. Trong đó, có khoảng 2.500 trường hợp bị từ chối, bao gồm cả những người có thị thực lẫn không có thị thực. Ông Shanmugam  thừa nhận rằng, luôn có một số ít thiểu số lọt qua mặc dù có nhiều cấp độ kiểm tra, điển hình trường hợp Amir Hamza.

Kể từ tháng 7/2020, Singapore đã áp dụng hệ thống sinh trắc học đa phương thức vào chế độ kiểm tra biên giới. Theo đó, những công dân lần đầu đến đây sẽ phải chụp ảnh khuôn mặt, quét mống mắt và dấu vân tay khi làm thủ tục nhập cảnh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thông tin được thực hiện sớm hơn nhờ sàng lọc danh sách theo dõi (các cá nhân đáng ngờ) và công nghệ thông quan tự động.

Phat Timothy

Bình luận