Tục nhuộm răng đen: Đặc sắc văn hóa người Việt xưa
Văn hóa

Tục nhuộm răng đen: Đặc sắc văn hóa người Việt xưa

Xuất hiện từ thời Vua Hùng dựng nước, tục nhuộm răng đen ở Việt Nam được xem là một trong những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, chứa đựng nhiều ý nghĩa truyền thống. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dù không còn được phổ biến nhưng tập tục độc đáo này vẫn là một hình ảnh đẹp mỗi khi nhắc về hình tượng người Việt xưa.

Tục nhuộm răng đen vốn là phong tục cổ truyền của người Việt xưa, ban đầu chỉ xuất hiện ở phụ nữ dần dần tập tục này cũng được nam giới đón nhận. Tục nhuộn răng đen phổ biến ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam trong cộng đồng dân cư người Kinh, Thái, Mường, Dao,… Theo nhiều nghiên cứu, tục nhuộm răng đen có từ thời Vua Hùng lập nước Văn Lang – Âu Lạc. Những di tích khảo cổ cũng chứng minh ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn tục nhuộm răng đen đã hình thành. Cụ thể, vào năm 1999 Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện bộ di cốt khoảng 3.500 tuổi ở di chỉ Đồng Đậu (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn còn lưu giữ vết tích của tục nhuộm răng đen.

Tục nhuộm răng đen: Đặc sắc văn hóa người Việt xưa 

Tục nhuộm răng đen phổ biến ở đồng bào dân tộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam

Đặc biệt, một số tài liệu ghi chép lại cho thấy, ngay dưới thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, mặc dù bị Trung Quốc dùng nhiều chính sách đồng hóa văn hóa Việt, song người dân nước Nam vẫn duy trì và bảo vệ những tục lệ cổ truyền như: tục búi tóc, tục xăm mình, tục nhuộm răng, tục ăn trầu,… Trong đó, sự kiện nổi bật nhất là vào năm 1788 khi vua Quang Trung – Nguyễn Huệ chỉ huy đoàn quân Tây Sơn đánh đuổi quân Thanh xâm lược, ông đã viết một bài Hịch cổ vũ khí thế ba quân tướng sĩ có nhắc đến tục nhuộm răng đen của dân tộc:

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Đến thời Hậu Lê tục nhuộm răng đen rất được chú trọng, nó không chỉ phổ biến ở nữ giới, mà cả nam giới, tầng lớp bình dân hay quý tộc, hoàng gia cũng đều thực hiện tập tục độc đáo trên. Điều này minh chứng qua các di vật cổ đã khai quật như: mộ của vua Lê Dụ Tông (1705 -1728) phát hiện năm 1964; xác ướp phu nhân quan thượng phụ Đặng Đình Tướng (1649 – 1735) tìm thấy năm 1968; xác ướp nữ khai quật năm 2013,…

Tục nhuộm răng đen: Đặc sắc văn hóa người Việt xưa

Tục nhuộm răng đen còn phổ biến ở nam giới

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ đô hộ của văn minh phương Tây, những phong trào về dân chủ, nữ quyền và Âu hóa đã làm thay đổi tập tục truyền thống xưa. Cũng từ đây, tục nhuộm răng dần bị lãng quên, thay vào đó họ đi theo xu hướng cạo răng trắng.

Tục nhuộm răng đen: Đặc sắc văn hóa người Việt xưaHàm răng đen bóng thể hiện sự xinh đẹp và quý phái của người phụ nữ Việt ngày xưa

Được biết, để có hàm răng đen bóng và bền màu, người Việt xưa phải trải qua công đoạn nhuộm răng vô cùng tỉ mỉ và công phu. Nguyên liệu dùng nhuộm răng cũng rất độc đáo với: bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh và nhựa của gáo dừa. Đầu tiên, người nhuộm răng phải pha sẵn thuốc nhuộm theo tỉ lệ nhất định từ 7 – 10 ngày. Trước ngày nhuộm răng 3, người ta dùng vỏ cau khô trộn bột muối, bột than để làm sạch răng. Trước 1 ngày nhuộm thì lấy nước chanh hòa rượu trắng súc miệng. Khi nhuộm, người dân lấy một ít hỗn hợp cho vào lá chuối, lá dừa rồi áp lên răng để qua đêm. Lúc này, răng chuyển sang màu đỏ già cánh kiến, người ta sẽ tiếp tục phết hỗn hợp phèn đen và nhựa cánh kiến lên răng. Cuối cùng, sử dụng nhựa gáo dừa nóng chảy bồi lên răng để răng được đen bóng. Phương pháp nhuộm răng đen truyền thống chỉ áp dụng với người lớn đã thay răng chắc khỏe và màu đen của răng có thể tồn tại từ 20 - 30 năm tùy thuộc cách chăm sóc hằng ngày.

Mặc dù tục nhuộm răng đen của người Việt xưa đã không còn xuất hiện trong đời sống hiện đại. Song những hình ảnh mái tóc dài, hàm răng đen của đoàn quân Tây Sơn thần tốc hay ký ức về nụ cười hiền hậu khoe hàm răng đen bóng của ông bà vẫn luôn là một mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh đầy màu sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thế Lan

Bình luận